NHẠC SĨ TRẦN HOÀN VÀ “KHÚC HÁT NGƯỜI HÀ NỘI”

Lương Minh Tân

Khoa Sư phạm Âm nhạc, – Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

Hà Nội – mảnh đất nghìn năm văn hiến, trái tim thân yêu của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhiều áng thơ văn bất hủ đã ghi lại những dấu ấn hào hùng của Thăng Long hoa lệ. Về âm nhạc, đã có không ít các bản hùng ca, tình ca viết về Hà Nội. Ca khúc viết về Hà Nội có thể nói khó mà liệt kê hết được, mỗi bài ca vang lên là một lời tâm sự thể hiện niềm yêu thương, tự hào của người Hà Nội xưa và nay.

Chúng ta hẳn không quên các ca khúc đã đi qua thời gian của các nhạc sĩ gắn bó với ca khúc Việt Nam nói chung và ca khúc về Hà Nội nói riêng như: Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Hà Nội ngày trở về (Huy Du), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Trời Hà Nội xanh (Văn Ký), Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Khúc hát người Hà Nội (Trần Hoàn), Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang), Nhớ tuổi thơ Hà Nội (Nguyễn Cường)… Và còn nhiều những ca khúc của các nhạc sĩ trẻ thổi những luồng gió mới cho những khúc ca của người Hà Nội.

Hà Nội nội xưa với ba mươi sáu phố phường ngày nay đã không còn chỉ là quê hương của người Tràng An mà còn là quê hương thứ hai của không ít những người con gắn bó với mảnh đất này. Rất nhiều danh nhân đã để lại dấu ấn đậm nét về Hà Nội mặc dù không phải đây là nơi chôn rau cắt rốn của mình, nhạc sĩ Trần Hoàn là một người như vậy.

Nhạc sĩ Trần Hoàn quê ở Hải Lăng – Quảng Trị, được tiếp xúc với âm nhạc và có điều kiện để bộc lộ năng khiếu từ rất sớm. Năm 11 tuổi, lúc phong trào cải cách âm nhạc ở Huế diễn ra sôi nổi, ông đã biết chơi đàn Mandolin và đệm được rất nhiều ca khúc. Khi Nguyễn Tăng Hích vào học tại trường Khải Định ông đã được giáo sư Vi – Đan người Pháp giảng dạy những kiến thức về âm nhạc. Cùng thời gian đó, ông cũng được học đàn ghita và có khả năng hòa tấu cùng với các bạn yêu nhạc thời bấy giờ như Phạm Tuyên, Phan Huỳnh Điểu… Năm 1945 ông tham gia phong trào truyền bá chữ quốc ngữ và phong trào học sinh sinh viên tại Huế. Khi chính quyền về tay nhân dân, ông được bầu vào ban thường vụ Đoàn học sinh cứu quốc Huế và tỏ ra là một cán bộ phụ trách văn nghệ có nhiều triển vọng. Trong cuộc thi sáng tác bài hát do Đoàn học sinh cứu quốc tổ chức những năm 1945 và 1946, ông  đã tham dự với hai ca khúc “Học sinh vui tươi” và  “Hồn nước” với bút danh “Trần Hoàn”. Cả hai ca khúc này của đều đoạt giải, cũng từ ngày ấy Trần Hoàn đã trở thành tên thường gọi của nhạc sĩ . ([1])

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trần Hoàn tham gia nhiều vị trí quan trọng của ngành văn hóa. Cho đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông được giao giữ chức vụ Giám đốc Sở văn hóa thông tin Hải Phòng và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Hải Phòng.  Sau đó, năm 1966 Trần Hoàn được cử vào tham gia chiến trường Bình – Trị – Thiên, trong thời gian này ông đã sáng tác được rất  nhiều ca khúc tuyên truyền, cổ động cho cách mạng. Tháng 6 năm 1983 Trần Hoàn được điều ra công tác ở thủ đô Hà Nội và tham gia vào ban thường vụ Thành ủy Hà Nội đồng thời giữ chức vụ Phó trưởng ban văn hóa – văn nghệ Trung ương kiêm Trưởng Ban văn hóa – văn nghệ Hà Nội. Tháng 10 năm 1983, Trần Hoàn được bầu vào Ban chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam. Tại đại hội VI (1986) của Đảng, Ông được bầu vào Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam và  sau đó giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thông tin (từ năm 1987 đến năm 1996). Từ tháng 7 năm 1996, ông giữ chức Phó trưởng ban Tư tưởng văn hóa trung ương sau đó làm Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; ủy viên hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Ông mất ngày 23 tháng 11 năm 2003 tại Hà Nội.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã viết rất nhiều ca khúc mang tính nghệ thuật cao mang hơi thở thời đại. Đó là sự kết hợp khéo léo giữa chất liệu âm nhạc dân gian vùng miền với phương pháp sáng tác Tây Âu. Từ khi công tác tại Hà Nội, ông càng có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc nhiều đặc thù công việc. Ca khúc của ông mở rộng hơn về đề tài và phong cách, công  chúng luôn yêu thích ca khúc của Trần Hoàn, các đêm văn nghệ luôn vang lên ca khúc của nhạc sĩ như: Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Ví dặm, Một mùa xuân nho nhỏ, Khúc hát người Hà nội, Hát về mùa xuân. Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Thăm bến Nhà rồng, Mưa rơi, Đêm hồ Gươm, Khúc ca vui…

Nhạc sĩ Trần Hoàn còn được nhắc đến như một nhạc sĩ sáng tác ca khúc của thời đại, ca khúc của ông ngày càng hoàn chỉnh và giàu tính nghệ thuật, bám sát cuộc sống. Đã có nhiều ca khúc đi sâu vào phản ánh nhiều khía cạnh của tình cảm, nhiều cung bậc của con người. Mặc dù bận rộn với công việc của một Bộ trưởng, nhưng đây lại là thời kỳ ông sáng tác nhiều ca khúc nhất trong sự nghệp của mình. Đi đến đâu nhạc sĩ cũng có cảm hứng để sáng tác, về miền quê, địa danh, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp hay đơn giản là cảm xúc trước những vần thơ hay đã tạo nên nhạc cảm trong nhạc sĩ giúp ông sáng tác. Phần nhiều các ca khúc tình ca trong những năm tháng này ông là những bài hát phổ thơ. Các ca khúc viết về tình yêu của ông không chỉ là tình yêu đôi lứa, đó còn là tình yêu quê hương đất nước, yêu cuộc sống, yêu  thiên nhiên. Ông đã thổi hồn vào ca khúc với những giai điệu  trữ tình của người nhạc sĩ đã trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Một số ca khúc tiêu biểu như: Gửi mẹ yêu thương, Gửi Trường sa, Ánh sáng đời tôi, Tôi yêu, Lời ru cho anh, Nhớ anh, Vào xuân mới, Vỗ bến lam chiều, Giận mà thương, Viếng lăng Bác Hồ… Riêng đề tài về các địa danh đã có khoảng hơn 100 ca khúc, gần như tỉnh thành nào cũng có ca khúc được nhạc sĩ sáng tác : Về lại Hải Phòng, Chào sơn La, Về Đông Sơn, Về Hoa Lư, Sáng mãi Nha Trang, Đà Lạt em và hoa, Tượng Đài sông Gianh, Nghe câu quan họ trên Bắc Giang, Mời anh về Thăm Mộc Châu, Đường Về Bắc Kạn, Bài ca Lào Cai, Về Tuyên Quang, Gửi Lạng Sơn, Gửi Lai Châu, Đà Nẵng mến yêu,Về lại Quảng Nam…

            Khi đất nước không còn chiến tranh, bước vào xây dựng cuộc sống, xây dựng nền kinh tế – xã hội. Tình yêu tổ quốc và tinh thần dân tộc chính là lòng hăng say lao động – sản xuất. Trước những thực tiễn đó, Trần Hoàn đã cho ra đời nhiều ca khúc về các địa phương, ngành nghề sản xuất. Đó cũng chính là niềm vui trong thực tiễn chiến đấu, một hành động cách mạng và cảm xúc nóng bỏng của nhạc sĩ nhằm đáp ứng những nhu cầu cụ thể của địa phương, đơn vị. Không khí lao động xây dựng quê hương, đất nước được nhạc sĩ gợi lại một cách sinh động qua các ca khúc “ngành ca” như: Nơi đường dây anh đã đi qua, Mùa xuân trên dàn khoan, Niềm vui cô y tá, Em là cô gái Super, Hành khúc công nhân Sao vàng, Người công nhân hóa chất, Hành khúc lính quân hiệu màu xanh, Bài ca Thạch Bàn, Văn hóa soi đường quốc dân đi, Đường bay Hà Nội – Mascơva …

Hơn 60 năm sáng tác, kinh nghiệm mà nhạc sĩ Trần Hoàn đã rút ra là: “Muốn viết được một ca khúc hay, cần phải hội tụ đủ 5 chữ T là Tầm nhìn, vốn sống Thực tiễn, cái Tâm, Trình độ và cuối cùng là phải có Tài. Với 4 chữ T đầu phải tự thân đạt được còn chữ cuối cùng thì sẽ do thời gian và công chúng thẩm định”. Chính bởi sự mộc mạc mà chân thành đối với âm nhạc đến như vậy mà tác giả đã cho ra đời tác phẩm “Khúc hát người Hà nội(1983)”  như để cám ơn vùng đất đã giúp mình trưởng thành trên con đường nghệ thuật. Tác phẩm được đông đảo khán giả đều yêu thích và được nhiều ca sĩ chọn làm tác phẩm biểu diễn và thu âm. Bài hát mang phong cách độc đáo với phong cách nhạc nhẹ Châu âu kết hợp với ca từ mang đậm tính dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Có lẽ vì vậy mà tác phẩm dù đã trải qua nhiều thập kỷ mà vẫn có sức sống lâu bền tới ngày nay.

Bài hát “Khúc hát người Hà nội” được tác giả viết ở giọng Rê thứ, nhịp , hình thức hai  đoạn tương phản. Bài hát mang phong cách đặc trưng của dòng nhạc nhẹ châu Âu cùng với những thủ pháp phát triển phong phú nhưng lại mang trong mình âm hưởng của chủ đề quê hương đất nước.

Đoạn thứ nhất (đoạn a) với nhịp độ vừa phải, tính chất tự sự, thể hiện tình cảm của những người con Hà Nội về những trang sử chói lọi của Thủ đô yêu dấu. Với hai câu khá cân đối và những lời ca mộc mạc, giản dị tác giả đã gieo vào lòng người nghe một cảm xúc mạnh mẽ về quá trình vươn lên của một Hà Nội mới.

Mở đầu bài hát là một giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng:

Cuối đoạn a, tính chất âm nhạc được đẩy lên tha thiết hơn với một niềm tin vào tương lai tươi sáng của Hà Nội, một tình cảm có lẽ không phải của riêng tác giả mà là của mọi người dân Hà Nội.

Sang đoạn thứ hai (đoạn b), sắc thái âm nhạc được thay đổi (Animato), kết hợp với tiết tấu dồn dập hơn, vẽ lên một khung cảnh khẩn trương nhộn nhịp của Hà Nội trong công cuộc kiến thiết mới và đồng thời thể hiện niềm tự hào của người Hà Nội. Âm nhạc như bừng sáng cả về ca từ lẫn thủ pháp phát triển. Đoạn b cũng được chia làm hai câu nhạc và mang tính điệp khúc với phần lặp lại giai điệu gần như nguyên dạng. Có thể nói đây là một sự phát triển thêm nữa của đoạn b, có tác dụng gợi lại phút huy hoàng, làm tăng tính nhấn mạnh cho tinh thần của đoạn nhạc. Đây cũng là bước chuẩn bị để cho tác phẩm trở về kết với hình thức trọn vẹn của một tác phẩm 2 đoạn tương phản.

Với tình yêu Hà nội mãnh liệt, Trần Hoàn đã viết nên một khúc ca mang theo đó là biết bao tình cảm mà ông đã gửi gắm vào con người cũng như vùng đất thiêng liêng nơi đây. Mỗi khi cất tiếng ca, ta như thấy con người với khung cảnh về Hà nội hào hoa hiển hiện đâu đây. Tổng thể bài hát là kết cấu chặt chẽ với các thủ pháp linh hoạt tạo nên giá trị nghệ thuật cho ca khúc “Khúc hát người Hà Nội”.  Với giai điệu tha thiết ở đoạn a và mạnh mẽ rạo rực ở đoạn b, ta thấy ở đây có đủ những tâm hồn mang theo những giá trị trường tồn của người Hà nội và sức sống mãnh liệt của vùng đất anh hùng và hào hoa. Đây chính là ước vọng của tác giả cũng như ước vọng của mọi người con Hà nội đối với mảnh đất thân yêu này.


[1] Tên gọi này xuất phát từ sự mến mộ và đam mê bài hát “Thiên thai” của Văn Cao, trong đó thích nhất là câu “Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn”, ông đã lấy chữ “Trần Hoàn” làm tên của mình.


Keep Reading

PreviousNext

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *