CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA HOÀ THANH

HÒA THANH. VAI TRÒ CỦA NÓ TRONG ÂM NHẠC
1. Định nghĩa: Hòa thanh là một môn học đề cập tới các mối liên hệ qua lại giữa các âm và chồng âm, hợp âm mà những mối lien hệ này được xác lập dựa trên những cơ sở vật lý của âm thanh. Cũng như dựa trên cơ sở những thói quen tâm sinh lý. Nói cách khác sự kết hợp các âm thanh cùng một lúc hay nối tiếp nhau theo một quy luật nhất định là những vấn đề cơ bản nhất của hòa thanh.
2. Vai trò của hòa thanh trong âm nhạc:
Chương trình này chỉ đưa ra những phong cách, các nguyên tắc của hòa thanh cổ điển châu Âu mà sự phát triển rực rỡ nhất là những năm thế kỷ 17 cho đến hết thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.
Hòa thanh là một phương tiện biểu cảm quan trọng trong lĩnh vực âm nhạc. Trong tác phẩm âm nhạc hòa thanh luôn có mối quan hệ chặt chẽ với một số phương tiện biểu cảm khác. Ví dụ như đối với “hình thức âm nhạc” hòa thanh sẽ giúp cho sự phân chia tác phẩm thành những phần hoàn thiện và sự liên kết các phần đó trong một thể thống nhất. Có được khả năng này là nhờ những đặc tính ổn định và không ổn định, sự phát triển và ngưng tụ của các chức năng hòa thanh tham gia vào quá trình biểu diễn và kết thúc để hoàn thành nên những đặc thù của cơ cấu tác phẩm.
Đặc biệt trong tác phẩm âm nhạc, hòa thanh luôn có mối quan hệ chặt chẽ với giai điệu. Thực ra ở mỗi giai điệu hòa thanh đã tồn tại dưới một dạng ẩn. Ngược lại hòa thanh giữ nhiệm vụ liên kết giữa các hướng  giai điệu khác nhau trong một tổng thể thống nhất để tạo nên âm nhạc nhiều bè. Như vậy hòa thanh đã chứa đựng trong đó cơ sở của giai điệu.
Sự thống nhất hòa thanh và giai điệu được thể hiện một cách rõ ràng trong tác phẩm âm nhạc nhiều giọng có tính chất chủ đề. Chủ đề thông thường được trình bày bằng giai điệu, lúc này sự hỗ trợ của hòa thanh đã làm cho giai điệu được thể hiện sâu sắc hơn, rung cảm và nhiều màu sắc hơn. Nhạc sỹ cổ điển Nga Glinka đã nói “Nhiệm vụ của hòa thanh vẽ thêm cho người nghe những đường nét mà trong giai điệu không có”. Nếu so sánh âm nhạc với hội họa, ta có thể hình dung giai điệu là hình vẽ còn hòa thanh là màu sắc.

3. Hợp âm. Hợp âm ba. Các dạng hợp âm ba. Các hợp âm ba thuận và nghịch. Đảo hợp âm.
Sự kết hợp cùng một lúc ba âm thanh (hoặc nhiều hơn nữa) sắp xếp theo quãng ba hoặc có thể sắp xếp theo quãng ba gọi là hợp âm.
Hợp âm ba gồm ba âm thanh sắp xếp theo quãng ba gọi là hợp âm ba.
Hợp âm được cấu tạo từ âm dưới đi lên.
Dạng của hợp âm ba phụ thuộc vào tính chất và thứ tự sắp xếp các quãng ba hợp thành nó.
Có bốn dạng hợp âm ba được cấu tạo từ những quãng ba trưởng và ba thứ:
– Hợp âm ba trưởng gồm một quãng ba trưởng và một quãng ba thứ, giữa hai âm ngoài cùng là một quãng năm đúng.
– Hợp âm ba thứ gồm một quãng ba thứ và một quãng ba trưởng, giữa hai âm ngoài cùng là một quãng năm đúng.
– Hợp âm ba tăng gồm hai quãng ba trưởng, giữa hai âm ngoài cùng là một quãng năm tăng.
– Hợp âm ba giảm gồm hai quãng ba thứ, giữa hai âm ngoài cùng là một quãng năm giảm.
Mỗi âm thanh trong hợp âm có tên gọi riêng. Những tên gọi ấy bắt nguồn từ những quãng được hình thành khi hợp âm ở thể cơ bản, tính từ âm dưới cùng đến các âm tiếp theo.
Âm  gốc (hay còn gọi là âm dưới) của hợp âm ba gọi là âm một, âm thứ hai (hoặc âm giữa) gọi là âm ba, âm thứ ba (hoặc âm trên) là âm năm.
Khi trật tự các âm thanh của hợp âm ba thay đổi khiến âm ba hay âm năm trở thành âm dưới cùng thì cách sắp xếp ấy của hợp âm ba gọi là thể đảo.
Hợp âm ba có hai thể đảo, đảo một là hợp âm sáu hình thành do chuyển âm một lên một quãng 8, đảo hai là hợp âm bốn sáu hình thành do chuyển âm một và âm ba lên một quãng tám. Trong hợp âm sáu, âm ba  trở thành âm dưới còn trong hợp âm bốn sáu, âm năm trở thành âm dưới

4. Các hợp âm ba chính ở điệu trưởng và thứ.
Có thể lập các hợp âm ba trên tất cả các bậc của điệu trưởng và thứ. Sau khi lập những hợp âm ba trên các bậc của điệu trưởng tự nhiên, ta thấy trong số đó có ba hợp âm (trên các bậc chủ yếu) là trưởng: các hợp âm bâ của các bậc I, IV và V. Mỗi hợp âm có tên gọi riêng (lấy từ tên các bậc lập nên chúng)
Hợp âm ba của bậc I gọi là hợp âm ba chủ
Hợp âm ba của bậc IV là hợp âm hạ át
Hợp âm ba của bậc V là hợp âm át
Vì là những hợp âm trưởng cho nên chúng tiêu biểu cho điệu trưởng nhiều hơn. Chúng thể hiện rõ nét hơn các chức năng điệu thức (nghĩa là những mối tương quan của các âm ổn định và không ổn định).
Do đó chúng được gọi là các hợp âm ba chính và cũng ký hiệu như các bậc chủ yếu T, S, D.
Tất cả các âm của điệu thức đều nằm trong thành phần các hợp âm ba chính. Vai trò của các hợp âm ba chính trong điệu thức, chức năng hòa thanh của chúng phụ thuộc vào ý nghĩa điệu thức của các âm thanh (các bậc) nằm trong thành phần mỗi hợp âm đó.
Sau khi lập các hợp âm ba trên tất cả các bậc của điệu thứ tự nhiên, ta thấy ngược với điệu trưởng, các hợp âm ba chính của điệu thứ là các hợp âm ba thứ. Chúng cũng được ký hiệu như các hợp âm ba chính của điệu trưởng, nhưng bằng chữ viết thường t, s, d.

Cấu trúc của các hợp âm ba chính ở các điệu trưởng và thứ hòa thanh khác với điệu trưởng và thứ tự nhiên. Ở điệu trưởng, do hạ thấp bậc VI nên hình thành một hợp âm ba hạ át thứ, đem lại cho điệu trưởng hòa thanh tính chất mềm mại hơn, còn ở điệu thứ, do nâng cao bậc VII mà tạo ra một hợp âm ba át trưởng, mang lại cho điệu thứ ít nhiều đặc tính của điệu trưởng.

Keep Reading

PreviousNext

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *