Khái quát Âm nhạc thời Trung cổ

Thời Trung cổ kéo dài gần một nghìn năm, với chế độ phong kiến và những kỷ cương khắt khe của tôn giáo trong xã hội. Đó là thời kỳ của những cuộc thập tự chinh từ Tây sang Đông và ngược lại, từ Đông sang Tây của quân Mông Cổ, cùng những cuộc khời nghĩa của quần chúng chống lại các chính sách bóc lột hà khắc dã man của tầng lớp thống trị, quan lại, vua chúa. Tất cả những điều đó đã để lại nhiều vết đen trong những trang sử của nhân loại, và kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, cũng không thể ngăn cản được những phát minh của các nhà khoa học, cùng những sáng tạo của các ngành nghệ thuật, trong đó có âm nhạc.

Thời Trung cổ, song song với những trung tâm lớn đã xuất hiện từ thời cổ đại, tuy cũng có những thay đổi chuyển hoá, trong đó có nền văn minh bị dập tắt như Hy Lạp, nhưng lại xuất hiện thêm nhiều trung tâm mới, đặc biệt là ở Châu Âu.

Ở Châu á với những nền văn minh lớn vẫn tiếp tục phát triển từ thời cổ đại như Trung Hoa, ấn Độ…, đến thế kỷ thứ VII sau công nguyên, nhà nước ả Rập ra đời. Văn hoá âm nhạc ả Rập với những nhân tố Hy Lạp và Ba Tư cùng ảnh hưởng của đạo Hồi trở thành một trung tâm có tác động mạnh mẽ không chỉ tới nhiều nước Châu á mà còn tới một số nước ở Bắc Phi và Châu Âu.

So với thời cổ đại, âm nhạc thời Trung cổ của Châu Âu có nhiều hiện tượng mới rất đáng lưu tâm. Trước hết, một số nước ở châu lục này đã phát triển nhanh chóng, đạt tới những tiến bộ cao về kỹ thuật; nhiều thành thị đã hình thành qua việc giao lưu kinh tế…, làm cơ sở cho âm nhạc phát triển. Song song với những điều kiện đó, các dân tộc ở đây, nhất là Tây Âu có sự gần gũi về ngôn ngữ, về tập quán và cùng chung một tôn giáo là đạo Thiên chúa, nên nền âm nhạc của họ, ngoài việc kế thừa những nền âm nhạc trước, vẫn muốn sự phát triển theo chiều hướng mới.

Trong thời đại này, những trung tâm mới xuất hiện là Vijanti, các quốc vương Slaves và nhiều nước ở Tây Âu.

Lịch sử âm nhạc của thời Trung cổ là lịch sử đấu tranh giữa nhạc dân gian, nhạc bình dân với nhạc nhà thờ và nhạc quý tộc.

  1. Âm nhạc dân gian

Âm nhạc dân gian tồn tại và phát triển trong quần chúng nhân dân. Dòng nhạc này phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, hấp dẫn về âm điệu, điệu thức, tiết tấu… luôn được bổ sung những yếu tố mới từ nền nghệ thuật dân gian của các tộc người khác nhau, nên luôn có sức sống mãnh liệt. Những người xuất sắc nổi lên trong quần chúng còn dùng âm nhạc như một nghề sinh nhai. Đó là những người hát rong, mà ở Đức gọi là spielman (xpinmen), ở Pháp gọi họ là jongleur (giông-glơ) – những người tạo nên loại âm nhạc chuyên nghiệp bình dân. Họ có thể hát, múa, đàn, cả những người làm trò ảo thuật, nuôi dưỡng thú… Họ hoạt động theo nhóm, đi biểu diễn từ nơi này đến nơi khác, tham gia trong các ngày lễ, đám cưới, các hội vui của nhân dân và thường xuất hiện ở các chợ phiên. Họ luôn được nhân dân yêu mến, bởi lẽ, trong các bài ca của họ, không chỉ đem đến niềm vui mà còn cả sự thông cảm, chia sẻ những nỗi buồn khổ, mà người dân đang chịu đựng hoặc vạch trần sự tàn ác của giai cấp thống trị. Vì vậy, chính quyền phong kiến và nhà thờ đã truy đuổi và bóp chết họ bằng những luật lệ cực kỳ dã man, hà khắc. Nhưng, sáng tác dân gian không thể bị tiêu diệt, mà luôn là ngọn nguồn vô tận, tràn đầy sinh lực, nó thấm đượm vào cả sau các bức tường tu viện. Rất nhiều nhạc công, nhà thơ, hoạ sĩ trong số các tu sĩ, đã sáng tác dưới ảnh hưởng của nghệ thuật dân gian, phù hợp với quy luật thẩm mĩ của họ.

Lúc đầu, âm nhạc dân gian có vị trí lớn trong các nhà thờ thiên chúa giáo.

Ca sĩ hát rong đã sử dụng những nhạc cụ dân gian đa dạng từ các nơi mà họ đã qua. Đó là các nhạc cụ dây không có vĩ và sau có cả nhạc cụ dây có vĩ, các nhạc cụ hơi và các nhạc cụ gõ.

Đến cuối thế kỷ XI những ca sĩ hát rong dần sống ổn định trong các lâu đài của vua chúa, và sau này ở các thành phố.

  1. Âm nhạc nhà thờ

Âm nhạc nhà thờ ở thời kỳ đầu của thời Trung cổ đã dùng các giai điệu của nhạc thế tục để phổ lời theo nội dung của họ. Âm nhạc là một phương tiện mạnh mẽ để tuyên truyền tôn giáo, thu hút giáo dân, tạo ảnh hưởng to lớn trong quần chúng. Lịch sử văn hoá của chế độ phong kiến bắt đầu với một quá trình phức tạp của cuộc đấu tranh giữa hai dòng thế tục và nhà thờ. Sự hình thành âm nhạc nhà thờ là quá trình liên tục, lâu dài; trong đó có tiếp thu những yếu tố của âm nhạc lễ nghi, cũng như âm nhạc thế tục từ thời cổ đại.

Từ thế kỷ thứ IV – VII ở Rôm mới hoàn thành việc tuyển chọn và sáng tác, để hệ thống hoá các lối hát của nhà thờ. Cuộc cải cách trong ba thế kỷ này được hoàn thiện trong thời của giáo hoàng Grigorie (590 – 604). Hệ thống âm nhạc Thiên chúa giáo với  những quy định chặt chẽ về lời và nhạc cũng như cách dùng, được gọi chung là hát đồng ca Grigorie, do ban đồng ca nam một bè đảm nhiệm. Ngoài Rôm, lối hát này còn xuất hiện ở các tu viện ở Thuỵ sĩ, Đức, Pháp, ý và Tây Ban Nha…

  1. Đồng ca Grigorie là nghệ thuật tôn giáo nghiêm khắc, chỉ biểu diễn trong nhà thờ. Đó là loại hát một bè của đồng ca và đơn ca trên nội dung kinh Phúc âm và tôn giáo. Chúng không phải là thơ và được viết bằng tiếng la tinh.

Trong đồng ca Grigorie hình thành ba loại: Psalmodie (Pxan-mô-đi), Jubilatio (Giu-bi-la-ti-ô) và Hymne.

– Psalmodie được sử dụng, trước hết, trong kinh cầu nguyện, là cách đọc của những văn bản tôn giáo, được ngân nga trên một âm, hoặc đưa giọng xuống thấp hay lên cao, như trong cách nói hùng biện, diễn thuyết.

– Jubilatio là những phần giai điệu của đồng ca được phát triển hơn, biểu hiện niềm vui, sự hân hoan và trang nghiêm. Jubilatio có tính ngẫu hứng, điêu luyện, giai điệu có tính trang sức nên thể hiện khó hơn. Cũng như Psalmodie, Jubilatio không có tổ chức tiết tấu. Tiết tấu của chúng được khẳng định từ cách nhấn của lời.

Hymne là những phần giai điệu và cấu trúc hoàn thiện trong đồng ca. Chúng được biểu diễn trên những lời thơ, có đặc điểm ca xướng và nổi bật bằng sự rõ ràng về tiết tấu. Những bài Hymne là trữ tình, khác với tính khô khan nghiên khắc của Psalmodie và sự phức tạp về nghệ thuật của Jubilatio, chúng vang lên một cách tự nhiên, giống như các bài dân ca, bởi những bài Hymne được hình thành từ dân ca.

  1. Messa là loại hát nghi lễ quan trọng của nhà thờ, được hình thành từ các phần của đồng ca Grigorie, có đặc điểm giai điệu. Trong thế kỷ XI, messa là một liên khúc gồm năm phần, giai điệu của chúng được hát trên các lời ca không thay đổi:
  2. Kyrie eleison – Cầu Chúa rủ lòng thương
  3. Gloria – Quang vinh
  4. Credo – Thành tín
  5. Sanctus et Benedictus – Thành kính và chúc phúc
  6. Agnus Dei – Vật dâng thiên thần

Các phần này được giữ trong messa phức điệu, trong đó, psalmodie mất biến hoàn toàn. Cả những lời truyền thống của messa cũng không còn ý nghĩa tượng trưng nữa. Đó là cơ hội cho sự thể hiện những tâm trạng của con người trong cuộc sống như niềm vui, nỗi buồn, sự hân hoan và những khát vọng sáng sủa.

Ngoài Hymne, ở đồng ca Grigorie, ảnh hưởng của âm nhạc thế tục còn được thâm nhập vào nhà thờ và nẩy sinh một số loại nữa như Sequentia (Xê-căng-tia), Tropi (Trô-pi) và Dramma liturgia (dra-ma li-tua-gia).

  1. Sequentia xuất hiện trong thế kỷ IX – X và phát triển mạnh từ cuối thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Người sáng tạo ra loại này là tu sĩ – nhà thơ – nhạc công Notke (Nốt-ke). Do việc biểu diễn khó khăn và phức tạp của Jubilatiô, tu sĩ Notke đã đặt lời cho mỗi âm liên quan đến một vần. Lúc đầu, lời được dùng từ nội dung tôn giáo, nhưng sau này đã sử dụng tự do, cả những lời với nội dung thế tục của thổ ngữ dân gian. Cùng với lời ca, giai điệu với tính chất dân gian cũng được đưa vào lối hát này. Các đoạn như vậy, với tiết tấu, giai điệu và lời ca mới được hình thành trong đồng ca, tương tự loại bài hát có cấu trúc đoạn nhạc trong giai điệu, hình thức phiên khúc, tiết tấu rõ ràng, trên cơ sở của điệu thức trưởng – thứ. Vì vậy, Sequentia dễ hiểu hơn giai điệu grigorie, trở thành thể loại độc lập, rất phổ biến và phát triển. Nhà thờ coi Sequentia vi phạm các luật lệ của mình, nên đã tìm mọi cách để ngăn chặn; tuy nhiên, vẫn phải dùng một số bài, trong đó nổi tiếng nhất là Sequentia Dies irae (Ngày phẫn nộ) của Thomas Tchelano (Tô-ma Trê-la-nô) từ thế kỷ XIII. Giai điệu của Sequentia này tiêu biểu về hình tượng bi thương của âm nhạc thời Trung cổ và được dùng trong nhiều tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc lớn trên thế giới như Mozart, Berlioz, Liszt, Verdi, Tchaikovsky, Rachmaninov…
  2. Tropi được hình thành từ tiếng hò reo Kyrie eleison (Chúa rủ lòng thương). Đó là những mở đầu và kết tự do, do nhân dân thực hiện, đôi khi bằng thổ ngữ địa phương. Trong đó, truyền thống cổ của bài hát Thiên chúa thời phôi thai được tiếp giữ. Tropi được phát triển thành những biến khúc điển hình, hướng đến giai điệu đồng ca. Do vậy, trong đồng ca được đưa vào lời và giai điệu mới với đặc điểm dân gian, thế tục. Đó là giai điệu thêm vào các bài đồng ca Grigorie cho nhiều người hát đối đáp và sau này trở thành một loại hát độc lập, hoàn chỉnh.
  3. Dramma liturgia (Đra-ma li-tuya-gia) – hát tích Thánh, là loại hát trong nhà thờ có sự xâm nhập, ảnh hưởng từ nhạc thế tục ở mức cao nhất. Đó là phần đầu của việc cúng tế trong thời gian những ngày hội lớn, trong đó có các đoạn từ kinh Phúc âm được dựng kịch, lời được phân chia giữa các linh mục trong dạng Tropi đối thoại. Ngôn ngữ là tiếng la tinh, còn giai điệu là đồng ca Grigrorie. Hình thức của hát tích Thánh cổ nhất xuất hiện ở thế kỷ X. Trong thế kỷ XII và XIII phát triển thành hành động sân khấu, trong đó đưa vào cả những cảnh hiện thực và những hình ảnh sinh động từ nhân dân, những chi tiết về phong tục, những âm điệu và những giai điệu thế tục.

Hát tích Thánh là một trong những thể nghiệm đầu tiên để sáng tạo nên những hoạt động sân khấu kịch với âm nhạc, là cơ sở cho sự hình thành Oratorio (Thanh xướng kịch) và Opera (Nhạc kịch) sau này ở thế kỷ XVII.

(Theo Nguyễn Thị Nhung, Phạm Phương Hoa)

Keep Reading

PreviousNext

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *