CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN TRONG ÂM NHẠC

        Sau Cách mạng 1848, bức tranh của đời sống chính trị – xã hội và nghệ thuật của Châu Âu có nhiều thay đổi so với nửa đầu thế kỷ XIX. Xuất hiện những khuynh hướng, trường phái mới; mặc dầu vẫn giữ mối liên quan đến chủ nghĩa lãng mạn, đó là chủ nghĩa hiện thực. Trong âm nhạc nửa cuối thế kỷ là sự đan xen của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực. Trong mười năm  cuối của thế kỷ XIX chủ nghĩa hiện thực được khẳng định trong nhiều sáng tác của các nhạc sĩ Tây Âu, trong âm nhạc Nga. Đồng thời, còn hình thành những tiền đề cho những khuynh hướng sáng tác mới ở thế kỷ XX như: ấn tượng, biểu hiện.

Đối tượng không rõ ràng

        Sau Cách mạng 1848, bức tranh của đời sống chính trị – xã hội và nghệ thuật của Châu Âu có nhiều thay đổi so với nửa đầu thế kỷ XIX. Xuất hiện những khuynh hướng, trường phái mới; mặc dầu vẫn giữ mối liên quan đến chủ nghĩa lãng mạn, đó là chủ nghĩa hiện thực. Trong âm nhạc nửa cuối thế kỷ là sự đan xen của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực. Trong mười năm  cuối của thế kỷ XIX chủ nghĩa hiện thực được khẳng định trong nhiều sáng tác của các nhạc sĩ Tây Âu, trong âm nhạc Nga. Đồng thời, còn hình thành những tiền đề cho những khuynh hướng sáng tác mới ở thế kỷ XX như: ấn tượng, biểu hiện.

Nội dung lịch sử của giai đoạn này là cuộc đấu tranh cho những quan điểm tự do, dân chủ, dân tộc đều được phản ảnh rõ nét trong nghệ thuật lãng mạn.

Ở thời đại này, niềm tin của con người vào những điều tốt đẹp bị lung lay. Những tư tưởng cao đẹp do cách mạng đề ra trong xã hội thực tại chỉ là những ước mơ không tưởng. Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, người nghệ sĩ nẩy sinh tâm trạng chán ngán, bất mãn, hoài nghi, những nỗi đau, sự bế tắc bi thảm; mỉa mai, chua xót… Tuy nhiên, những ước mơ cao đẹp của con người chưa mất hết trong tâm hồn người nghệ sĩ; họ đã tìm thấy những ước mơ của con người thế kỷ XIX về chủ nghĩa nhân văn, về tự do, về đạo lý và cả về vẻ đẹp tinh thần. Khác với thời đại “Ánh sáng”, nghệ thuật lãng mạn không thể hiện trực tiếp những tình cảm này.

Sự giãi bày thế giới nội tâm của con người, trước hết là thể hiện khuynh hướng tự do cá nhân. Chủ nghĩa lãng mạn đề cao những yếu tố khác thường và sự thân thiết trong nội tâm tình cảm. Các chủ đề về tình yêu, nỗi cô đơn, nỗi buồn; những lý tưởng không đạt được; những suy nghĩ về cuộc đời về số phận, những ước mơ nhân đạo… được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn làm phong phú cho nghệ thuật bằng những hình tượng mới, chủ đề mới; mở rộng phạm vi tâm lý trữ tình. Nghệ thuật lãng mạn khẳng định nhân vật mới không phải là cá nhân hoà hợp với tập thể như nhân vật trong tác phẩm của thời đại “Ánh sáng”. Do vậy, họ đã khai thác triệt để hình tượng tâm lý trữ tình: mầu sắc tâm lý tinh tế, những tình cảm mâu thuẫn, xung đột phức tạp là điển hình trong nghệ thuật lãng mạn.

Chủ đề trữ tình thuộc lĩnh vực tình yêu đã biểu hiện các khía cạnh đầy đủ nhất của thế giới nội tâm nhân vật trong nghệ thuật lãng mạn; bắt đầu trong các ca khúc của Schbert, đến những bản giao hưởng của Berlioz và trong những vở nhạc kịch của Wagner.

Song song với chủ đề trữ tình, chủ nghĩa lãng mạn còn đề cập đến những chủ đề thuộc các phạm vi khác. Thực tế cuộc sống xã hội đã thức tỉnh người nghệ sĩ tình cảm đối với dân tộc, sự phẫn nộ với mọi bất công, đến nghĩa vụ của người công dân, biết đau khổ cùng nỗi đau của dân tộc và ước mơ nồng cháy cho tự do của Tổ quốc. Do vậy, từ tình cảm trữ tình lãng mạn dần hình thành những tình cảm có tính xung đột, căng thẳng… dẫn tới trong tác phẩm còn chứa đựng những hình tượng có tính trữ tình nổi loạn. Điều đó, dẫn đến sự mở rộng phạm vi nội dung hình tượng, chủ đề; liên quan đến cuộc đấu tranh của nhân dân, đến quá khứ anh hùng của dân tộc; đến các sự kiện và các chiến công anh hùng của nhân dân. Điều ấy, đã chứng minh cho mối liên hệ sâu sắc của người nghệ sĩ lãng mạn với thời đại và những khuynh hướng tiến bộ của thời đại như trong tác phẩm của Chopin, Liszt, Weber, Schumann, Berlioz…

Đối với âm nhạc, chủ nghĩa lãng mạn là một trong những khuynh hướng chính – đổi mới, là dòng nghệ thuật thống trị cho đến giữa thế kỷ XIX; sau 1848, trong âm nhạc còn có cả những khuynh hướng khác nữa.

Muốn hiểu được phương pháp nghệ thuật của chủ nghĩa lãng mạn, cần quan tâm đến vấn đề thẩm mỹ. Thẩm mĩ và khuynh hướng của nghệ thuật lãng mạn là giải phóng khỏi những nguyên tắc của chủ nghĩa cổ điển. Chủ nghĩa lãng mạn đề cao tình cảm, qua tình cảm để thể hiện sự thật. Thế giới tình cảm của con người chiếm vị trí hàng đầu.

Chủ nghĩa lãng mạn chú ý tới sự tổng hợp chặt chẽ giữa các thể loại với nhau như tính bi thảm với sự hài hước; tính phong tục sinh hoạt với tính kịch căng thẳng; tăng cường sự thay đổi về màu sắc hoà âm; pha trộn âm sắc…

Âm nhạc có khuynh hướng gần đến thơ ca, hội hoạ; đến sự tổng hợp của nghệ thuật. Vì vậy, chủ nghĩa lãng mạn không chỉ phong phú về chủ đề, về nội dung, về hình tượng mà còn phong phú về phương pháp biểu hiện, về hình thức, thể loại với sự đề cao tính tự do sáng tạo.

Ngoài sự thể hiện cảm xúc, phát hiện những hiện tượng mâu thuẫn có tính thống nhất biện chứng, thì phương pháp điển hình của cách thức nghệ thuật lãng mạn là ảo tưởng, hư ảo. Óc tưởng tượng và ảo tưởng của nghệ sĩ lãng mạn liên quan đến những hình tượng trong truyền thuyết dân gian.

Thẩm mĩ lãng mạn còn quan tâm đến các vấn đề khác: tính hiện thực, tính nhân dân, tính truyền thống, nghệ thuật và cuộc sống… Các nhà nghiên cứu cho rằng, thẩm mĩ âm nhạc thế kỷ XIX là một trong những trang sử rực rỡ nhất của lịch sử thẩm mĩ.

Các nhà lãng mạn rất quan tâm đến tính dân tộc trong sáng tạo. Họ sưu tầm và nghiên cứu âm nhạc dân gian, đến các phong tục sinh hoạt và nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình như Schubert, Chopin, Weber, Brahms, Liszt, Glinca, Tchaikowsky, Moussorsky, Borodin, Rimsky – Korsacov, Smétana, Dvorak, Grieg…; nhiều tác phẩm được hình thành từ các truyện cổ tích, thần thoại dân gian. Nhiều âm điệu, tiết tấu từ dân ca, dân vũ là cơ sở cho những khúc romance, những tác phẩm khí nhạc. Thế kỷ XIX là thời kỳ nở rộ của nhiều trường phái âm nhạc dân tộc như Nga, Ba Lan, Tiệp, Nauy, Tây Ban Nha v.v… với những tên tuổi tầm cỡ thế giới.

Tuy, chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa cổ điển là hai phương pháp nghệ thuật, điển hình cho hai thời đại khác nhau; nhưng giữa chúng có mối quan hệ với nhau. Các nhà lãng mạn như Schubert, Mendelssohn, Brahms đã kế thừa và phát triển những thành tựu của nghệ thuật cổ điển. Ngược lại, trong một số tác phẩm cuối đời của Beethoven cũng xuất hiện những đường nét, khuynh hướng mới, ngoài tư tưởng nhân đạo anh hùng, còn chứa đựng tính triết học đạo đức, tính tâm lý trữ tình, tính thân thiết gần với ước mơ lãng mạn cho hạnh phúc riêng, màu sắc tinh tế của cảm xúc v.v…dẫn tới sự thay đổi cả về hình thức và thể loại, về ngôn ngữ âm nhạc.

Tác phẩm âm nhạc thế kỷ XIX có mối quan hệ chặt chẽ và sâu sắc, với văn học. Sự phát triển nghệ thuật ca khúc ở Đức đều dựa trên thơ ca của Schiller, Goethe, Héine…và những nhà thơ đương đại. Nghệ thuật giao hưởng mới, có tiêu đề hình thành từ tác phẩm của Vitor Hugo, Lamartine…Nhạc kịch lãng mạn cũng liên quan đến văn học như “Carmen” của Bizet; “Mũi tên thần” của Weber.

Chủ nghĩa lãng mạn không chỉ tạo cho nghệ thuật phong phú về chủ đề, đề tài mà còn đa dạng về hình thức và thể loại. Những nguyên tắc cấu trúc mới, được khẳng định trong hình thức, thể loại của nghệ thuật lãng mạn. Họ vẫn sử dụng liên khúc và sonate-allegro nhưng được phân tích một cách tự do hơn. Khuynh hướng chính là liên kết giữa các chương theo mối tương quan của liên khúc theo cách mới, dẫn đến sự hình thành của hình thức giao hưởng một chương –  thơ giao hưởng. Những đường nét của sonate-allegro và liên khúc trên nền tảng thay đổi, biến tấu chủ đề. Các thủ pháp khác nhau, tổng hợp trong các tác phẩm lớn như nhạc đàn với thanh nhạc; giao hưởng với nhạc kịch và đại hợp xướng – thanh xướng kịch. Thủ pháp phức điệu được sử dụng rộng rãi. Ảnh hưởng của ca khúc trong các hình thức sonate giao hưởng là rất mạnh. Chủ đề có tính ca xướng được đem vào sonate – allegro và phần phát triển có khi được xây dựng là một đoạn chen độc lập với tính chất như hình thức ca khúc trữ tình. Họ đã hình thành mẫu mực cho loại giao hưởng trữ tình- kịch tính. Phương pháp biến tấu và âm hình chủ đạo được sử dụng rộng rãi   trong sự phát triển. Trên nền tảng ấy, tạo thành nguyên tắc sáng tác quan trọng- monothème, khác hẳn với nguyên tắc sonate – allegro của cổ điển, xây dựng trên hai chủ đề.

Tác phẩm âm nhạc xây dựng theo kiểu monothème với ý nghĩa là có một chủ đề dẫn dắt (leitmotiv), từ đó thay đổi, biến tấu giai điệu, tiết tấu, hoà âm, phối khí v.v…dẫn đến hình thành những chủ đề mới, với tính chất hình tượng, cảm xúc khác nhau. Chẳng hạn như, từ chủ đề anh hùng có thể trở thành trữ tình hay ngược lại; từ chủ đề hành khúc có thể tiếp nhận tính chất thể loại và tư duy cảm xúc mới – valse, ước mơ. Qua tính chất monothème đạt tới tính thống nhất về âm điệu và chủ điệu trong những hình thức sonate – giao hưởng đồ sộ và sự phong phú về hình tượng. Sự phát triển đầy đủ nhất của monothème có trong thơ giao hưởng và giao hưởng có tiêu đề.

Âm nhạc lãng mạn ưa dùng âm nhạc có tiêu đề. Nguyên tắc tiêu đề trong mối quan hệ chặt chẽ đến khuynh hướng làm cho âm nhạc gần đến các loại hình nghệ thuật khác, mở rộng ranh giới và khả năng phản ánh thực tiễn. Tính tiêu đề còn giúp cho sự trần thuật tự do và rõ nét hơn tư duy âm nhạc. Những thể loại điển hình của âm nhạc tiêu đề là giao hưởng, thơ giao hưởng và ouverture.

Một thể loại mang ý nghĩa dẫn dắt của âm nhạc lãng mạn, liên quan đến truyền thống phong tục làca khúc. So với các thời đại trước, chưa bao giờ ca khúc giữ một vai trò ở vị trí thứ nhất trong nền âm nhạc chuyên nghiệp và đạt được những thành tựu để hình thành những nguyên tắc nghệ thuật như nghệ thuật âm nhạc lãng mạn.

Song song với ca khúc còn xuất hiện rất nhiều các thể loại khác nhau trong lĩnh vực thính phòng đặc biệt cho piano, bắt nguồn từ âm nhạc phong tục dân gian, phát triển có tính ngẫu hứng trong sáng tác. Đó là những thể loại âm nhạc độc lập như valse, mazurka, polanaise, bài ca không lời, nocturne v.v…

Sự đổi mới về hình thức, thể loại liên quan chặt chẽ tới đổi mới phương pháp diễn tả.

Giai điệu có lối cấu trúc tự do, xoá nhoà sự cân đối, và tạo cho giai điệu có tính ca xướng nên không có chu kỳ cấu trúc, như giai điệu của Schumann, Wagner. Trong nguyên tắc sử dụng hoà âm, đề cao tính tương phản về màu, dùng nhiều biến âm, vai trò công năng phụ được đề cao, sử dụng phương pháp chuyển điệu đột ngột, nhằm thể hiện, miêu tả những cảm xúc tinh tế, những tâm trạng sửng sốt…Trong lĩnh vực phối dàn nhạc, các nhạc sĩ khai thác triệt để khả năng diễn tả của bộ gỗ như Berlioz, Weber, Wagner…

Nghệ thuật nhạc kịch của thế kỷ XIX có nhiều đổi mới để hình thành dòng nghệ thuật nhạc kịch lãng mạn. Với vở “Mũi tên thần” của Weber, đánh dấu sự ra đời cho loại hình nhạc kịch dân tộc lãng mạn đầu tiên của Đức và của các dân tộc Tây Âu; mở ra con đường mới cho nhạc kịch, mà trong sáng tác của Wagner đạt tới sự hoàn thiện.

(Theo: Nguyễn Thị Nhung, Phạm Phương Hoa)

Keep Reading

PreviousNext

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *