Nhạc sĩ GEORGE FRIDERIC HAENDEL (1685-1759)

1. Khái quát

Haendel là nhạc sỹ tiền cổ điển người Đức. Sự nghiệp của ông giữ vai trò quan trọng trong lịch sử âm nhạc thế giới. Cuộc đời ông sống nhiều ở Anh và ông có nhiều đóng góp cho âm nhạc Anh. Haendel được công nhận là nhạc sĩ của cả Đức và Anh.

Âm nhạc của Haendel theo phong cách barocco, mang tính chiến đấu, hành động. Chất anh hùng trong âm nhạc của ông đã ảnh hưởng đến nhạc sĩ L.V. Beethoven sau này. Đề tài trong âm nhạc của Haendel nói lên nỗi khổ đau, sự quật khởi, chiến thắng và lòng tin vào ánh sáng, tự do, công lý.

Haendel viết nhiều lĩnh vực: Thanh xướng kịch, nhạc kịch, nhiều concerto và ca khúc bằng đủ các thứ tiếng Đức, Anh, Ý, Pháp. Ông yêu thích nhạc kịch nhất, bỏ nhiều công sức để cải cách nhạc kịch nhưng không thành công lắm. Lĩnh vực mà ông thành công nhất là thanh xướng kịch và sau đó là nhạc đàn.

Anh được coi là quê hương thứ hai của Haendel, ông đã cống hiến gần 50 năm cho đất nước Anh. Người Anh cũng coi Haendel là nhạc sĩ của dân tộc mình. Ngoài nước Anh, Haendel còn đi nhiều nước châu Âu khác, được tiếp xúc nhiều nền âm nhạc cho nên âm  nhạc của ông có sự tiếp thu tinh hoa của nhiều dân tộc như Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha.

2. Giới thiệu tác phẩm

+ Nhạc kịch (Opera): Haendel sáng tác 39 vở.

Ông có hoài bão cải cách nhạc kịch nhưng không làm được như C.W. Gluck (nhạc sĩ của trường phái cổ điển Viên) sau này. Một số tác phẩm tiêu biểu về nhạc kịch của Haendel là Anmira, Nero, Rodrigo, Agripin

+ Thanh xướng kịch (Oratorio):

Haendel viết 32 vở oratorio. Cuối đời ông mới quan tâm đến thanh xướng kịch nhưng đây lại là thể loại mà ông thành công nhất.

Phong cách âm nhạc barocco, tính chiến đấu, hành động của Haendel được thể hiện rất đậm nét trong oratorio. Đề tài trong oratorio đa dạng: Thần thoại, đồng nội, ảo mộng, tình yêu… nhưng chủ yếu là chiến đấu, lên án ách nô lệ và tôn giáo mù quáng.

Kịch bản của oratorio đa số được trích trong Kinh Thánh nhưng nói tiếng nói thời đại, khích lệ lòng yêu nước.

Vị trí quan trọng trong oratorio là aria và hợp xướng. Hợp xướng là một trong những đổi mới của Haendel làm nên thành công của ông. Oratorio của Haendel được hoàn thiện bởi vẻ đẹp giai điệu của các aria. Dàn nhạc trong thanh xướng kịch cũng được Haendel chú ý, ông tạo cho dàn nhạc có vai trò độc lập.

Các vở nổi tiếng có thể kể tới Đấng cứu thế (Messiah,1742), Judas Macchabée (Giuđa Macabê, 1747), Hercules (Hecquyn, 1745), Semele (Xêmêlê, 1744), Acid and Galatei (Axit và Galatây, 1718), Thời cơ, Israel en Égypte (Israen ở Aicập, 1738-1739), Samson (1743)

Đặc biệt xuất sắc là vở Samson, trong vở này có một aria nổi tiếng của nhân vật Samson là Bóng tối quanh ta.

+ Khí nhạc:

Các tác phẩm khí nhạc của Haendel khá phong phú: concerto, sonate, tổ khúc… Thể loại nhạc đàn mà Haendel thành công hơn cả là concerto, các bản nổi tiếng có No 2 op.6, g-moll op.6, c-moll op.6, Bản nhạc trên nước (Water music)… Tình yêu nhạc kịch còn được Haendel thể hiện cả trong concerto, ông đưa cả ouverture, aria hoặc một vài tiết mục trong nhạc kịch nào đó vào thể loại này, hoặc ngược lại ông lấy một chương nào đó của concerto vào nhạc kịch.

(Theo PGS. TS Nguyễn Thị Tố Mai)

Keep Reading

PreviousNext

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *